Tô Nhi (Hà Nội) bất ngờ khi thợ sửa chữa nói máy giặt bị tràn bộ nhớ, vì cô tưởng lỗi này chỉ có trên smartphone hay máy tính.
Hồi tháng 10/2023, Tô Nhi, nhân viên văn phòng 26 tuổi, thấy máy giặt ở nhà không thể khởi động. Đèn ở phần trạng thái giặt và mức nước luôn chớp đỏ, kèm theo âm thanh cảnh báo bất thường. Khi kiểm tra, thiết bị vẫn được cấp nước đầy đủ, lồng giặt không bị kẹt và khối lượng đồ giặt trong giới hạn cho phép.
Không khắc phục được vấn đề dù đã cài đặt máy bằng tổ hợp phím theo hướng dẫn của nhà sản xuất, Nhi buộc phải thuê thợ đến kiểm tra. Người này nói máy bị tràn bộ nhớ, cam kết “điều trị” dứt điểm với giá 500.000 đồng. Tuy nhiên, sau bốn tháng, lỗi lại xuất hiện trong một lần bị cắt điện đột ngột. Người thợ thứ hai được gọi đến và báo lỗi tương tự, yêu cầu phí sửa 700.000 đồng.
“Thợ giải thích do máy bị mất nguồn điện giữa chu trình giặt. Khi khởi động lại, chu trình mới ghi đè khiến tràn bộ nhớ, gây ra sự cố”, Nhi nói. “Dù đã thay linh kiện cần thiết, thợ cũng chỉ chấp nhận bảo hành miễn phí trong ba tháng”. Gia đình Nhi chưa có điều kiện đổi máy mới, nên cô vẫn lo tình trạng này có thể quay lại bất cứ lúc nào.
Tràn bộ nhớ là vấn đề đã tồn tại từ lâu nhưng chưa được giải quyết triệt để trên máy giặt gia đình. Ông Nguyễn Đức Chính, quản trị viên một nhóm đồ điện gia dụng với hơn 10.000 thành viên trên Facebook, cho biết trên nhóm vẫn thường xuất hiện các bài đăng của người dùng hỏi về tình huống tương tự, với đa dạng thương hiệu, nhưng loại lồng đứng bị nhiều hơn lồng ngang. Tỷ lệ lỗi tăng theo tuổi thọ máy, nhất là những thiết bị đã hoạt động trên ba năm.
“Như nhiều đồ điện tử khác, máy giặt cũng có một chip nhớ (IC nhớ), đóng vai trò như bộ nhớ tạm, giúp thiết bị lưu lại cài đặt của người dùng về chu trình giặt, từ đó thực hiện nhiệm vụ một cách chính xác. Trong một số trường hợp, IC nhớ gặp trục trặc, khiến máy hoạt động bất thường”, ông nói.
Có nhiều nguyên nhân gây tràn bộ nhớ, nhưng đa phần liên quan đến việc gián đoạn giữa chu trình giặt, ví dụ mất điện đột ngột, nguồn nước bị thiếu, lồng giặt kẹt do đồ vật rơi ra từ quần áo hoặc quá tải. Khi đó, máy phải khởi động lại, dữ liệu mới được sắp xếp không chính xác, ghi đè và gây lỗi.
“Có thể xem tình trạng này giống việc điện thoại di động mở quá nhiều tác vụ cùng lúc, dẫn đến tràn RAM và treo máy”, ông nói.
Mức phí khắc phục lỗi tràn bộ nhớ máy giặt dao động từ 300.000 đến 600.000 đồng. Tuy nhiên, ông Hoàng Viết Tuấn, thợ sửa chữa đồ điện gia dụng tại Thanh Xuân (Hà Nội), cho biết người dùng có thể tự sửa bằng cách cài đặt lại máy khi lỗi ở mức độ nhẹ, tránh tốn kém không cần thiết.
“Nhà sản xuất luôn thiết lập một tổ hợp phím đặc biệt trên máy. Khi ấn đúng thứ tự, thiết bị sẽ được làm mới từ đầu, xử lý được lỗi cơ bản, trong đó có tràn bộ nhớ. Nhiều người không biết nên thường phải gọi thợ”, ông cho hay.
Trong trường hợp cài đặt lại bằng phím bấm không thành công, thợ sẽ tháo bộ điều khiển của máy giặt và can thiệp vào IC nhớ. Ông Tuấn cho biết với dòng máy cũ, không tìm được linh kiện thay thế, thợ phải chọn cách nối tắt mạch, loại bỏ hoàn toàn vai trò của IC. Lúc này, thiết bị sẽ tiếp tục hoạt động, nhưng mỗi khi mất điện hoặc gặp sự cố, máy chỉ có thể chạy lại từ đầu thay vì tiếp nối chu trình giặt cũ.
Một phương pháp khác khác giúp sửa vấn đề tràn bộ nhớ là sử dụng phần mềm chuyên dụng để thiết lập IC nhớ. Tuy nhiên, ông Tuấn đánh giá cách này khiến tăng chi phí và vẫn có tỷ lệ thất bại.
“Tùy vào thương hiệu và số năm sử dụng máy giặt, khả năng sửa thành công sẽ khác nhau. Trước khi thỏa thuận giá, người dùng nên yêu cầu đơn vị sửa chữa giải thích rõ về chế độ bảo hành, như vậy có thể tạo áp lực khiến họ thao tác cẩn trọng hơn đồng thời có mức giá hợp lý hơn”, ông Tuấn nói.